Bản Ngã
Sự kiểm soát của bản ngã rất tinh vi, nó luôn tìm cách không cho bạn nhận ra là chính mình. Hãy quan sát ý nghĩ, lời nói và hành động của bạn trong mọi lúc. Khi bản ngã tỉnh dậy, hãy mỉm cười với nó rằng “tôi yêu bạn, tôi chấp nhận bạn, tôi sẽ chữa lành cho bạn” — Fb: Tâm Thức
Vì sao chúng ta lại đau khổ
Trong quá trình làm về tâm linh và chữa lành, mình nhận ra rằng sự đau khổ của mọi người hầu hết đến từ các lý do chính:
– Bản ngã (cái tôi).
– Luôn cảm thấy mình làm nạn nhân trong cuộc sống của chính mình.
– Chạy trốn, từ chối các bài học.
– Để suy nghĩ, tâm trí kiểm soát
1, Bản ngã, cái tôi
Khái niệm bản ngã chắc chắn mọi người đã từng nghe rất nhiều, nhưng không phải ai cũng có thể giải thích để bạn hiểu được 1 cách cặn kẽ. Hãy hiểu đơn giản rằng: “Bản ngã chính là lớp áo mà linh hồn chúng ta khoác bên ngoài, khi đến, học và trải nghiệm ở 1 kiếp sống”.
Bản ngã được hình thành từ sự tương tác xã hội, giáo dục của gia đình, nhà trường. Nó khiến ta tạo nên những ĐỊNH NGHĨA về bản thân: Tôi là người thế này, tích cách tôi thế này…
Nhưng xét về khía cạnh linh hồn, bạn không phải là con người như vậy, tính cách của bạn không phải như vậy, bạn đơn giản chỉ là 1 linh hồn đang ở trạng thái quan sát và trải nghiệm, nên tất cả những sự định nghĩa kia chỉ là những lớp áo. Đó không phải là bạn.
Bản ngã biết rằng nó chỉ là 1 lớp áo tạm thời và 1 ngày sẽ mất đi, nó không chấp nhận điều đó, nên nó luôn tìm mọi cách để mình được sống lâu nhất có thể, để cảm thấy mình CÓ GIÁ TRỊ.
Ví dụ:
– Bạn giận dữ khi người xung quanh coi thường, không lắng nghe, không quan tâm đến bạn.
– Bạn chê bai người khác để cảm thấy bản thân bên trong mình tốt hơn.
– Bạn cố gắng thể hiện ra bên ngoài mình giàu có, sang chảnh để mọi người ngưỡng mộ.
– Bạn cảm thấy mình hơn, và 1 người hoặc 1 số đông người khác kém hơn mình.
– Bạn cảm thấy con đường tu tập của mình là đúng, là chân lý, là số 1, các con đường khác đều không tinh tấn bằng.
– Bạn ăn chay và đánh giá, phán xét những người ăn thịt.
…..
Tất cả đều là những dấu hiệu của bản ngã.
Hãy thử quán chiếu với bản thân mình, bạn đã bao giờ so sánh, ghen tị với người khác chưa? Có thể về cả điều kiện sống, hay trong các mối quan hệ tình cảm, gia đình. Sự so sánh, ghen tị đấy tác động lên tâm trạng, cảm xúc bạn thế nào? Việc so sánh đấy có giúp bạn trở nên hạnh phúc hơn không, hay chỉ căng thẳng, mệt mỏi, và buồn bã vì bản thân mình hơn thôi?
Hãy nhớ rằng mọi thứ xung quanh cuộc sống của chúng ta chính là thứ mà linh hồn ta đã chọn để trải nghiệm, kể cả gia đình, người thân.
Vì vậy mà mọi sự so sánh với người khác đều là khập khiễng.
Thử quán chiếu với bản thân mình xem bạn đã bao giờ chê bai, nói xấu người khác chưa? Mục đích của việc đấy để làm gì? Có phải để bản thân mình cảm thấy “tốt đẹp” hơn không? Sự “tốt đẹp” đấy có thật không, hay sẽ chỉ là bạn tạo thêm cho chính mình 1 vỏ bọc nữa, để càng ngày càng đi xa hơn bản chất linh hồn ở bên trong mình?
Hãy nhớ rằng mỗi linh hồn đều đang ở giai đoạn khác nhau và đang học các bài học khác nhau, có người học nhanh, có người học chậm, và không ai HƠN ai cả.
Nhớ rằng tất cả chúng ta đều là một.
Bạn không cần phải hướng ra ngoài, bạn không cần phải so sánh với ai, bạn không cần phải hơn ai, vì bạn chính là bạn, đang học bài học của riêng bạn.
Bạn cũng không cần phải tranh luận, cãi cọ với ai, vì mỗi người đều có hệ thống lập luận và quan điểm khác nhau dựa trên sự phát triển tâm thức của từng người, nên không có gì là đúng và sai cả. Khi chúng ta bắt đầu nổi xung lên và muốn tranh luận – đấy là lúc chúng ta muốn thể hiện bản ngã của mình.
Bản ngã cá nhân tạo nên những áp lực, đau khổ cho từng cá nhân.
Bản ngã tâm linh tạo nên những sự mắc kẹt tâm thức, phân chia các tôn giáo.
Bản ngã dân tộc tạo nên các cuộc xung đột sắc tộc, màu da, chiến tranh.
Bạn đã hiểu vì sao bản ngã là gốc rễ tạo nên hầu hết những đau khổ của loài người chưa?
Hãy học cách quan sát bản ngã, tâm trí qua thiền định
Khi giận dữ, buồn bã, hãy nhớ rằng lớp áo này không phải là mình, mình là 1 linh hồn thuần khiết và tràn đầy tình yêu thương.
Hãy học cách kiểm soát suy nghĩ của mình, chứ không để suy nghĩ kiểm soát bạn.
Lúc đó bạn sẽ hiểu rằng chúng ta cần ít thế nào để có thể chạm tới được hạnh phúc.
2, Tâm lý nạn nhân
Gia đình không hạnh phúc, những người xung quanh, những mối quan hệ đến và đi gây cho bạn những tổn thương.
Bạn bắt đầu thù ghét, bắt đầu trách móc mọi người và cuộc đời, cảm thấy mình là nạn nhân của họ, là nạn nhân trong cuộc sống của chính bạn.
Tin mình nhé, tất cả mọi thứ trên vũ trụ này đều vận hành bởi hệ thống nhân quả, và mọi trải nghiệm đến đều do chính linh hồn bạn lựa chọn để: cân bằng nghiệp và học các bài học của linh hồn.
Không phải ngẫu nhiên mà ở các ca thôi miên trị liệu của mình, chủ thể đều nhìn thấy chính họ đã làm hại/ tổn thương những người mà kiếp sống hiện tại gây cho họ tổn thương.
Hãy hiểu rằng mọi thứ đều được vũ trụ và linh hồn bạn sắp xếp 1 cách hoàn hảo, và mọi thứ đến đều là là lựa chọn của chính linh hồn bạn.
Khi chúng ta tin rằng chúng ta là nạn nhân, luật hấp dẫn sẽ tiếp tục thu hút đến những trải nghiệm vùi dập, để bạn được trải nghiệm hệ thống niềm tin của chính bạn, để được làm nạn nhân đến chán thì thôi.
Khi chúng ta bắt đầu nhận ra rằng, MỖI CHÚNG TA CHỊU TRÁCH NHIỆM CHO CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH thì đấy sẽ là lúc mọi thứ xung quanh bắt đầu thay đổi.
3, Từ chối bài học của chính mình
Chúng ta ở đây là để học, và các linh hồn đều đã ký hợp đồng với nhau, có thể đóng những vai xấu, vai ác trong cuộc đời nhau để cùng phát triển.
Ví dụ bạn có bài học về sự cô đơn, nhưng thay vì quay vào bên trong, chữa lành để tìm gốc rễ, bạn lại hướng ra bên ngoài và tìm kiếm sự thoải mái ở các mối quan hệ.
Những mối quan hệ sẽ đến, họ đến để yêu thương bạn, có thể mối quan hệ sẽ rất hạnh phúc lúc đầu, nhưng dần dần sau đó mọi thứ thay đổi, và bạn lại cảm thấy cô đơn trong mối quan hệ của chính mình, và sau đó họ lại rời bạn đi. Họ để lại bạn tiếp tục với bài học cô đơn, và còn thêm nhiều tổn thương khác ở trong tâm hồn.
Và mình tin rằng nó không chỉ xảy ra 1 lần, mà sẽ có nhiều người đến và đi như vậy, vì đó là cơ chế của vũ trụ: nếu một bài học không học được, nó sẽ lặp đi lặp lại đến khi nào bạn học được thì thôi.
Bạn cô đơn và đầy tổn thương, luật hấp dẫn sẽ đưa đến bên cạnh những người cô đơn và đầy tổn thương giống bạn. 1 là học cách để học cùng nhau, hoặc 2 là tiếp tục gây tổn thương cho nhau, đến khi nào mà chúng ta học được bài học đó.
Vì vậy khi 1 biến cố xảy đến, thay vì hướng ra ngoài và tìm những phương pháp để xử lý bề nổi, thì hãy quay vào bên trong tự hỏi:
– Bài học của mình ở đây là gì?
– Nó bắt nguồn, gốc rễ từ tổn thương, vấn đề nào bên trong mình?
– Làm thế nào để có thể xử lý nó?
Quá trình tự chữa lành giống như bóc các lớp vò 1 củ hành tây, càng bóc, càng nhìn sâu, càng hiểu bản thân chúng ta sẽ càng đến được các tầng sâu hơn, những vấn đề vi tế hơn của tâm thức.
Thay vì chạy trốn và tìm những mối quan hệ, những cuộc vui bên ngoài thì hãy quay vào bên trong để tự tìm kiếm, tự nhìn lại mình. Hãy cố gắng lắng nghe xem linh hồn của bạn đang muốn nói với bạn điều gì.
Đấy là lúc chúng ta có thể bắt đầu chạm tới sự bình yên và hạnh phúc từ bên trong.
4, Bị kiểm soát bởi tâm trí, suy nghĩ của chính mình
Như mình đã nói ở trên, tất cả chúng ta đều là những linh hồn đang trải nghiệm.
Cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc của bạn đều không phải là bạn, bạn là linh hồn đứng phía sau đang quan sát và trải nghiệm nó.
Hầu hết mọi người không biết làm chủ suy nghĩ của mình, và thường tin rằng “mình chính là suy nghĩ của mình”. Và lúc đó nó sẽ đưa bạn đi khắp nơi mà nó muốn, bạn hoàn toàn mất kiểm soát cuộc sống của mình. Nó muốn mình buồn thì mình buồn, nó muốn mình vui thì mình vui, nó muốn mình nổi điên lên thì mình nổi điên lên..
Chính vì vậy, hãy học cách quan sát suy nghĩ của mình thông qua thiền định, mình đã nói rất nhiều ở các bài viết trước. Nó sẽ giúp bạn nhận biết bản ngã, và những suy nghĩ tiêu cực khi nó khởi lên. Luôn đặt mình ở góc nhìn thứ 3 để nhận biết mọi thứ khởi lên trong đầu mình.
Khi đó bạn sẽ biết suy nghĩ nào nên để đó (đừng nén nó xuống, cứ để đẩy và quan sát thôi), và suy nghĩ nào nên tiếp tục.
Khi làm chủ được suy nghĩ của mình, bạn sẽ làm chủ được cuộc sống của chính mình.
HỘI NGỘ NHỮNG BẢN THỂ TRONG BẠN
Trong quá trình đi sâu, tìm hiểu về chính mình, chúng ta nên nhận diện kỹ càng những bản thể cấu thành nên con người mình, từ đó quyết định sẽ sử dụng loại NL nào/ nghe theo sự dẫn dắt của tiếng nói nào.
Hãy hình dung như “BẠN” như một “Ngôi nhà” chung trong đó có sự hiện diện, sinh sống của những thành viên : bà cô khó tính, em bé nhõng nhẽo, ông chú tâm linh, ông Trùm cuối (mình tạm chia ra tương đối vậy thôi)
Bạn hãy sáng tạo và nhân cách hóa, hình dung rõ nét tính cách, hình dáng… những bản thể – những thành viên trong Ngôi nhà chung của bạn (chị gái đỏng đảnh, cô bé dỗi hờn, anh chàng nổi loạn…..)
Bà cô khó tính
(Đây chính là bản thể trá hình, được hình thành khi bạn sống không đúng là chính mình)
Đọc thêm để hiểu về bà cô khó tính – bản thể trá hình
Bà cô này vì ko sống đúng với sự thật trong chính mình nên bà ấy tự chia cắt khỏi chính bản thể của mình, dẫn đến việc chia cắt với vạn vật, vạn người xung quanh, từ đó bả hành động theo những niềm tin xung đột, gây hấn, chia rẽ, phủ nhận….
Em bé nhõng nhẽo
(Đây là bản thế cấp thấp hay còn gọi là ý thức trẻ thơ chưa phát triển, em bé bên trong)
Đọc thêm :
Đọc thêm để hiểu về em bé nhõng nhẽo:
Em bé này hình thành do những nhận thức chưa đúng đắn, thiếu đi tình yêu thương nên em ấy có xu hướng ghét chính mình, chối bỏ, ko yêu chính mình từ đó em ý phóng chiếu tổn thương của mình tới những người khác.
Ông chú tâm linh
(Bản ngã tâm linh)
Ông này ghê à nha, ông này rất thích thể hiện, hay nói đạo lý mà không chịu thực hành, nói ko đi kèm với hành động. Ông này một bầu trời lý luận, kiến thức, lý thuyết, đạo lý, chuẩn mực, quy tắc.
Ông này ưa xuất hiện dưới hình dạng đạo mạo, nghiêm túc, khuôn thước, rất ưa thích luật lệ, phân định, tranh luận ĐÚNG – SAI
Ông này thường xuyên dùng ảo ảnh ưu việt, ông ý thấy mình to lớn vĩ đại, có sứ mệnh tâm linh lớn lao, hiểu biết hơn, coi thường mấy đứa trẻ nít, tự thấy mình super kool, tự thấy mình là đỉnh của chóp, trình lùn mấy đứa bây làm sao ưu việt bằng ta…
Ông này kiến thức cao siêu nên tiếng nói của ổng rất thuyết phục.
Higher Self – Bản thế cấp cao
Ông này Trùm cuối – Mr Biết Tuốt – người giữ “sổ đỏ” .
Ông còn có các tên gọi khác là Chân ngã/ Higherself/ Phật tánh…Đây chính là bản chất cốt lõi của mọi LH. Bản chất cuả mọi LH là tình yêu, ánh sáng, hoàn thiện, hiểu biết, không phân tách.
Ông HS này cực kì ít nói nhưng vô cùng hiểu biết, thông thái, trí tuệ, đầy yêu thương.
Ông chỉ ngồi cười và quan sát sự hoạt động của các thành viên trong nhà, không bao giờ can thiệp vào ý chí của bất kì thành viên nào trong gia đình.
Ông tuyệt đối tôn trọng, yêu thương, nâng đỡ mọi thành viên.
Sự chỉ dẫn, giúp đỡ của Ông luôn khéo léo, tinh tế và đầy minh triết. Đôi khi nhìn thấy bạn sắp lao vào hố (Nghiệp quật ) Ông chỉ đứng đó mỉm cười để Bạn tự trưởng thành sau vấp ngã.
Bạn sẽ nhận được sự chỉ dẫn của Ông mọi lúc mọi nơi, nó giản dị, gần gũi tới mức mà có thể bạn chưa hề nghĩ tới.
Bài học của Ông có thể đến từ một bông hoa, từ một cơn gió, một đám mây, một bài hát, một bài thơ, một bài đăng trên facebook, các con số gương, số lặp, khoảnh khắc ngồi đàn hát, vẽ tranh, lúc bạn đang nấu cơm, rửa bát, quét nhà, đọc sách… lời giải thông thái có thể xẹt qua như một tia sáng, bạn sẽ cảm thấy tự nhiên mọi việc sáng tỏ.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim”
Và bạn sẽ được hội ngộ với Ông một cách trực diện hơn khi bà cô khó tính, em bé nhõng nhẽo, ông chú tâm linh dừng hết tiếng nói của mình lại (Tâm trí bạn dừng hoàn toàn những tiếng nói và suy nghĩ lao xao).
Khi bạn xin sự chỉ dẫn, Ông thường để tự bạn đưa ra đáp án, hoặc chỉ khơi gợi, gợi ý.
Câu Ông thường hay giao tiếp với mình là :
” Con thử nghĩ xem”
“Sau tất cả những chuyện xẩy ra con học được điều gì?”
“Nếu được làm lại, con nghĩ mình có thể làm tốt hơn ở điểm nào???”
Bạn sẽ vượt qua bài thi khi bạn HÀNH ĐỘNG đúng ở cả 3 lĩnh vực Thân – Khẩu – Ý
Việc thay đổi, mở rộng nhận thức giống như bạn đã tích lũy được đủ kiến thức (ở mặt lý thuyết).
Các hoàn cảnh, tình huống/ con người (các vòng lặp) được đưa tới, xẩy ra trong cuộc đời bạn chính là các bài thi.
Việc bạn vượt qua bài học sẽ phải được thể hiện bằng HÀNH ĐỘNG cụ thể – bạn phải viết được đáp án xuống giấy – và bạn sẽ được chấm điểm đỗ khi bạn quyết định HÀNH XỬ theo tiếng nói của ông trùm cuối HS.
Bạn không thể chối bỏ, diệt trừ bà cô khó tính, em bé nhõng nhẽo, ông chú tâm linh. Đó là một thành viên trong Ngôi nhà chung của bạn.
Bạn chỉ cần nhận biết sự có mặt của họ, chấp nhận, yêu thương, lắng nghe, giúp các thành viên thay đổi nhận thức, giúp họ trưởng thành hơn mỗi ngày.
Bạn có toàn quyền lựa chọn hành động theo sự chỉ dẫn từ tiếng nói nào, biểu hiện ra bên ngoài loại NL nào
Khi bạn biểu hiện của năng lượng bản thể trá hình: bạn sẽ thấy sự xung đột, chia cắt, bạo lực, đấu tranh.
Khi bạn biểu hiện năng lượng bản thể cấp thấp : bạn làm tổn thương người khác bằng thương tổn của chính mình.
Khi bạn biểu thị năng lượng của Bản thể cấp cao/ Chân ngã : bạn bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc thực sự, hòa hợp thực sự
Chất lượng của cuộc sống,sự khỏe mạnh, sự bình, hạnh phúc của Thân – Tâm – Trí tỉ lệ thuận với mức độ bạn cho phép mình hiển lộ năng lượng nào trong cuộc sống.
Vậy, bạn chọn hiển lộ NL nào trong cuộc sống của mình?
Điều đó tùy thuộc Hành động của bạn
Chỉ thuộc vào bạn mà thôi